Giảm giá nhà ở xã hội nhờ khoa học công nghệ (TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM - THÁNG 4 NĂM 2012)

Làm thế nào để những người dân có thu nhập trung bình thấp ( dưới 4 triệu đồng) có một ngôi nhà mơ ước? Đó là một bài toán khó khăn trong xây dựng hiện nay.
    Theo các phương tiện truyền thông, giá bán Nhà ở xã hội hiện trên 10 triệu/m2. Đây là mức giá chưa phù hợp với người thu nhập thấp và trung bình (thường dưới 4 triệu đồng/tháng). Vì vậy thị trường chưa phát triển và chương trình nhà ở xã hội không thể phổ biến. Mấu chốt của vấn đề là cần giảm giá nhà ở xã hội về mức 5-6 triệu đồng/m2. Và đó là bài toán của khoa học công nghệ. 
 

Mới mà không mới 

     Hiện trên thị trường xây dựng, các công trình chủ yếu sử dụng kết cấu sàn bê tông cốt thép có dầm. Công nghệ mà thị trường xây dựng nói chung, thị trường Nhà ở xã hội nói riêng đang ứng dụng là các công nghệ cũ, có những công nghệ được phát triển từ hơn 7 thập kỷ trước. Một số công nghệ như sàn dự ứng lực, đã có ở châu Âu từ rất lâu và không phải là không có nhược điểm. Do sử dụng cốp pha đổ bê tông tại chỗ nên thi công mất thời gian, chi phí công lao động cao, chi phí bê tông cốt thép chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong công trình. Các loại sàn bê tông cốt thép này có trọng lượng nặng dẫn tới cột móng nặng nề. 
 
    Do ứng dụng những công nghệ cũ, phương pháp thi công lạc hậu nên chi phí xây dựng công trình cao. Nhiều chủ đầu tư chưa tìm được công nghệ tốt hơn nên giá nhà ở xã hội hiện vẫn ở mức cao và công nghệ xây dựng mới là nhu cầu cấp thiết của thị trường. 
 
    Để giảm giá thành xây dựng cần phải hướng tới các vật liệu nhẹ. Vật liệu truyền thống của ta là bê tông cốt thép (sử dụng các nguyên liệu địa phương bao gồm cát, đá sỏi, xi măng). Bê tông cốt thép có ưu điểm là giá thành rẻ do sử dụng nguyên liệu địa phương nên được sử dụng phổ biến nhất trong ngành xây dựng Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, vật liệu này có trọng lượng bản thân lớn. Để giảm giá thành công trình, các nhà khoa học thế giới đã và đang nghiên cứu làm cho nó nhẹ đi. 
 
    Có một số cách làm giảm trọng lượng sàn bê tông cốt thép. Ví dụ như làm cho bê tông xốp hơn hoặc sử dụng cốt liệu nhẹ thay thế đá xây dựng. Tuy nhiên, giá thành một mét khối bê tông nhẹ chế tạo như vậy đắt gấp 3 lần bê tông thường, nên phương án này không hiệu quả về mặt kinh tế. Ngoài ra, đặc tính của bê tông nhẹ cũng có điểm cần xem xét như độ đồng nhất, độ giảm cường độ bê tông, khả năng tạo bê tông mác cao khó khăn. So với các cách giảm trọng tải công trình khác, thì công nghệ của ACH đặc biệt nổi trội. Giải pháp của ACH làm cho sàn nhẹ đi bằng cách giảm khối lượng bê tông và cốt thép sử dụng theo phương pháp tối ưu hóa. Kết cấu công trình sử dụng bê tông và cốt thép thông thường. Do giảm khối lượng bê tông và cốt thép nên chi phí xây dựng của sàn bê tông cốt thép giảm 20% đồng thời giảm chi phí cột và chi phí móng. Như vậy giá thành phần xây thô giảm 20%. Đây là công nghệ rẻ nhất so với các công nghệ mà chúng ta đang sử dụng. Ngoài ra công nghệ này giúp giảm tiêu tốn tài nguyên, năng lượng vào việc sản xuất sắt thép, xi măng, khai thác cát đá sỏi, bảo vệ môi trường. 
 
Muốn giảm giá thành phải công nghiệp hóa 
 
     Ngành xây dựng là ngành công nghiệp quan trọng nhưng tính công nghiệp hóa vẫn còn thấp. Việc thi công công trình “đơn chiếc”, không chuyên môn hóa, không modun hóa quá. Quá trình xây dựng chủ yếu diễn ra trên công trường, mức độ thi công công xưởng thấp. Cũng vì không công xưởng hóa, lại sử dụng những công nghệ cũ nên năng suất lao động thấp, chi phí nhân công cao, chi phí quản lý và chi phí tài chính lớn. 
 
    Để hạ giá thành xây dựng cần đẩy mạnh công xưởng hóa với việc sản xuất tại nhà máy, dây chuyền sản xuất đồng bộ. Nhờ tính chuyên môn hóa cao nên năng suất lao động được cải thiện. Công xưởng hóa cũng giúp việc thi công an toàn hơn. Muốn các công trình xây dựng có giá rẻ hơn, giá nhà ở xã hội thấp hơn, bắt buộc phải ứng dụng công nghệ mới và công xưởng hóa ngành xây dựng. Điều này nhiều người biết, nhưng hiện chưa có lời giải? Ai là người cung cấp công nghệ mới, ai nghiên cứu và phát triển công nghệ mới? Trong khi đó, nhiều viện nghiên cứu, trường đại học có lịch sử hàng chục năm nhưng chưa đóng góp nhiều sáng chế cho ngành xây dựng. Truyền thống đang được đo bằng thâm niên hơn là bằng số sáng chế mà xã hội có thể ứng dụng được. 
 
Ứng dụng khoa học công nghệ là con đường tất yếu 
 
     Kết quả nghiên cứu khoa học hạn chế là vấn đề chung của nước ta, chứ không riêng gì ngành xây dựng. Chủ trương đầu tư cho khoa học kỹ thuật đã có từ rất lâu, nhưng vì nhiều nguyên nhân, kết quả không được như mong muốn. Mục tiêu của Việt Nam là có 3.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ có sở hữu hoặc sử dụng công nghệ mới, nhưng hiện chỉ có 14 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Theo quy định, những doanh nghiệp nằm trong nhóm này được ưu đãi rất nhiều như: Ưu đãi cấp đất để phát triển sản xuất, được vay ưu đãi theo chương trình của Bộ Khoa học công nghệ, miễn thuế trong 4 năm đầu. Nhưng để hưởng những ưu đãi này cần phải làm các thủ tục và mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Ví dụ như để xin giấy chứng nhận doanh nghiệp Khoa học công nghệ có thể mất nửa năm, trong khi luật quy định là thời gian cấp phép 20 ngày kể từ khi hoàn thiện hồ sơ. Như vậy có thể thấy là nhà nước có chủ chương đúng để hỗ trợ phát triển khoa học nhưng còn nhiều việc cần làm để chủ chương được áp dụng nhanh chóng hiệu quả. 
 
    Việc ứng dụng khoa học công nghệ cần tránh tình trạng đầu tư theo phong trào, cần có các cá nhân, tổ chức uy tín tư vấn cho các nhà đầu tư lựa chọn các công nghệ phù hợp, tránh đầu tư công nghệ lạc hậu gây nhiều lãng phí cho xã hội. Thực tế là có những công nghệ đã có từ hàng chục năm, dây chuyền sản xuất đã cũ vẫn được nhập về, khiến cho sản phẩm có chất lượng thấp. Câu chuyện này giống như những bài học đau đớn khi chúng ta nhập khẩu theo phong trào dây chuyền xi măng lò đứng hay công nghệ mía đường. Do không có tư vấn tốt, nên một số nhà đầu tư đã nhập công nghệ cũ. Thế là đất nước lãng phí rất nhiều nguồn lực trong khi hiệu quả kinh tế thấp, chất lượng sản phẩm không tốt, làm mất niềm tin của khách hàng. Thực tế đó đòi hỏi Việt Nam phải có các chuyên gia công nghệ, phát triển những công nghệ tốt hơn và chuyển giao cho các doanh nghiệp. 
 
    Cũng cần nói rõ rằng, nghiên cứu khoa học là loại hình đầu tư nhiều rủi ro. Trong hàng trăm nhà khoa học nghiên cứu nghiêm túc, cũng chỉ có ít người nghiên cứu thành công. Ngành xây dựng đã có lịch sử phát triển hàng ngàn năm. Nguyên vật liệu sử dụng trong xây dựng là các vật liệu tương đối rẻ tiền nên việc nghiên cứu ra các công nghệ mới có chi phí xây dựng thấp hơn là không dễ. Trong bối cảnh đó, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển công nghệ là một trong những giải pháp hiệu quả. Các doanh nghiệp, tổ chức cần tăng cường liên kết với nhau, liên kết với các trường đại học để cùng phát triển khoa học công nghệ. Một số doanh nghiệp, tổ chức có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật nhưng hạn chế về vốn, quan hệ. Trong khi đó, một số khác lại có lợi thế về vốn, thị trường, cơ sở vật chất. Nếu các doanh nghiệp, tổ chức này có thể hợp tác với nhau cùng phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ thì có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu và tăng hiệu quả rất nhiều. Theo mô hình này, sắp tới công ty CP tư vấn xây dựng ACH sẽ hợp tác với các tổ chức có thế mạnh tài chính để thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ. Hiệu quả kinh tế sẽ được chia sẻ cho các bên tham gia phát triển công nghệ. 
 
Những rào cản cần dỡ bỏ 
 
Nhà nước cần mở rộng đối tượng tham gia xây dựng nhà ở xã hội và công khai danh sách này với những tiêu chí rõ ràng. Nên ưu tiên các công ty có sáng chế công nghệ làm NOXH giá rẻ, đế đáp ứng mục tiêu tạo dựng chỗ ở cho người thu nhập thấp, chứ không phải là tạo công ăn việc làm cho các đơn vị lớn. Các chính sách ưu đãi không nên thực hiện theo cơ chế xin cho. Nhà nước cần có chính sách đồng bộ và nhất quán, việc ưu đãi lãi suất nên áp dụng chính sách hậu kiểm. Ví dụ nhà nước cho đấu thầu chọn chủ đầu tư, chủ đầu tư nào xây nhà với giá thành thấp nhất sẽ được chọn. Khi đó, nhà nước cấp tiền cho doanh nghiệp và kiểm tra tiến độ thực hiện, nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết thì bị xử phạt. Khi xây xong, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà cho nhà nước và nhà nước sẽ phân phối lại cho người thu nhập thấp. 
 
    Hiện nay, việc áp dụng công nghệ mới cho các dự án sử dụng vốn ngân sách rất khó khăn vì quy định hiện hành yêu cầu thanh toán theo định mức của nhà nước. Đã là công nghệ mới thì chưa thể có định mức, vì vậy không nên đòi hỏi phải có định mức thì mới được áp dụng. Làm như vậy là cản trở ứng dụng sáng tạo vào thực tế sản xuất xây dựng. Các dự án xây dựng thường trải qua quy trình đấu thầu. Nhà thầu nào đưa ra các giải pháp công nghệ mới có chi phí xây dựng cạnh tranh sẽ được chọn trúng thầu. Giá trị thanh toán là giá chào thầu thấp nhất chứ không cần thanh toán theo định mức. Nên để doanh nghiệp tự ban hành định mức, trong khi nhà nước quan tâm đến chất lượng công trình và hiệu quả kinh tế do áp dụng công nghệ mới. 
 
Việc tiết kiệm chi phí xây dựng được thực hiện thông qua việc tối ưu hóa trong quá trình thiết kế và thi công. Vì vậy doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cần được chủ động hoàn toàn từ thiết kế, thi công, áp dụng công nghệ theo kiểu “chìa khóa trao tay”. 
 
     Để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành xây dựng nói chung và giảm giá thành các công trình nhà ở xã hội nói riêng nhà nước cần cổ vũ cho xu thế áp dụng công nghệ mới. Khoa học công nghệ cần được nhà nước ưu tiên truyền thông tới đông đảo người dân, các công ty thiết kế, các công ty xây dựng, các chủ đầu tư để mọi người nhận thức rằng khoa học kỹ thuật giúp tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt hơn với giá thành rẻ hơn, giúp tiết kiệm tài nguyên của đẩt nước và giúp cho nhiều người dân có cơ hội sở hữu nhà ở. 
 
TS.Nguyễn Xuân Hoàng 
Giám đốc công ty ACH
 

Tin nổi bật